Mẹ con chị đã phải trải qua những năm tháng đau khổ, tuyệt vọng.
Ăn ngủ với nhau như vợ chồng, tiền chị làm ra, cả hai cùng chi tiêu chung, đến khi chị phát hiện mình chậm kinh, bảo với gã, gã giãy nảy mắng chị làm ăn tuềnh toàng: “đừng hòng bắt thằng này đổ vỏ”. Câu nói ấy của gã cứa vào lòng chị nỗi đắng cay không thể diễn tả.
Sống trên đời, ai chẳng ao ước có được cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy, xum vầy. Thế nhưng, tạo hóa luôn bất công. Hạnh phúc lại như một chiếc chăn hẹp, người này mạnh tay kéo, buộc người kia phải co ro.
Hạnh phúc chồng vợ không mỉm cười với S, nhưng phúc phận dành tặng S một mầm non bé bỏng. Và với S - người đàn bà đi qua nhiều đau khổ, giông bão đó đã trọn vẹn hạnh phúc của một kiếp người.
Biết trước kết cục sau khi sinh đứa trẻ đó ra, chắc chắn không tránh khỏi sự nghi kị, dè bỉu, coi thường của thiên hạ. Biết chắc chắn đứa trẻ ấy sẽ không bao giờ được cha hay gia đình nhà nội thừa nhận.
Nó bất hạnh khi không được mang họ cha nhưng Lữ Thị S không muốn vứt bỏ khi nó chưa kịp nhìn thấy ánh nắng mặt trời. Một mình vật lộn với những ngày tháng bụng mang dạ chửa không có người thân chăm sóc.
Mang thai tháng thứ 3 vẫn phải đi tiếp khách làng chơi, lấy tiền nuôi thân và nuôi gã đàn ông S trót yêu đến cuồng dại. S đã trải qua những ngày tháng khốn cùng và tủi cực như thế.
Nhưng có lẽ, những kí ức vụn ấy đã lùi vào quá vãng, và giờ đây, chị đã có cuộc sống yên ổn bên giọt máu chị quyết giữ đến cùng này.
Bụng mang bầu vẫn phải đắng cay đi làm gái
Chị lẩm nhẩm trong họng, lắc đầu loay hoay tìm câu giải đáp. Chị không hiểu điều gì ở gã đàn ông ấy khiến chị si mê nhiều đến thế.
Ngỡ tưởng cái kiểu nói chuyện hài hước, dí dỏm, luôn chọc cười mọi người của gã chỉ có các cô gái đang tuổi lớn tầm 17,18 mới đắm mê, hóa ra cũng chẳng chừa người con gái 28, dạn dĩ so với tuổi, và lớn lên quen với khô cằn, nứt nẻ như mảnh đất xứ Quỳ Châu nghèo nơi xứ Nghệ ấy.
Rời bỏ mảnh đất Quỳ Châu, Nghệ An, ra Hà Nội tìm việc làm với mong mỏi thoát khỏi quy luật làm ruộng - lấy chồng - sinh con giống như đám bạn cùng lứa, lơ ngơ nơi xứ lạ, sống tạm bợ trong dãy nhà cũ kĩ dành cho dân lao động, ấm ớ thế nào S quen gã lái taxi quê Nam Định.
Được cái gã lười lao động, chỉ thích ngủ nướng và đánh bạc, thành thử làm chẳng đủ ăn. Cùng cảnh xa nhà, thi thoảng trò chuyện với nhau, lại được đôi ba hành động quan tâm của hắn, cùng cái khiếu nói chuyện hoạt náo như tép nhảy, S và gã gá vào nhau sống nơi phồn hoa thành thị.
Tính S rõ ràng, đã yêu rồi thì say như điếu đổ. Trong khi chưa kiếm được việc làm, gã xui S kinh doanh “vốn tự có”. Mới đầu nghe gã nói, S ngớ người, phân bua “nhà em nghèo thế, làm gì có vốn liếng gì mà đòi huy động vốn để kinh doanh”.
Gã cười ngất trong khi cái mặt S nghệt ra đến tội nghiệp. Biết rõ đằng sau kiểu “chơi chữ” của gã, chị giãy nảy phản đối, nhưng chẳng hiểu gã cho chị ăn bùa mê thuốc lú gì, chị phục tùng hắn vô điều kiện.
Từ ngày chị đi làm gái, hắn vốn đã lười lao động lại càng lười hơn. Gã đón đưa chị tới “điểm hẹn” để “giao dịch” với khách hàng khiến mấy chị em “đồng nghiệp” nức nở khen chị ăn nên làm ra, chơi sang, đi hẳn taxi đi làm. S giấu nhẹm chuyện tình nhân chở mình đi làm gái. Nỗi nhục nhã, ê chề ấy thiên hạ biết, thiên hạ cười cho thối mũi.
Ăn ngủ với nhau như vợ chồng, tiền chị làm ra, cả hai cùng chi tiêu chung, đến khi chị phát hiện mình chậm kinh, bảo với gã, gã giãy nảy mắng chị làm ăn tuềnh toàng: “đừng hòng bắt thằng này đổ vỏ”. Câu nói ấy của gã cứa vào lòng chị nỗi đắng cay không thể diễn tả.
Khi biết đích xác chị đang mang bầu, giọt máu ấy là của gã. Trái với phản ứng bình thường của kẻ được làm cha, gã đùng đùng nổi giận. Gã ném cho chị 500 ngàn và bảo chị tự đi giải quyết hậu quả.
Hắn không muốn đứa trẻ ấy chào đời. Bất kể chị van xin, cầu khẩn tha thiết được giữ lại đứa bé, gã lạnh lùng bỏ vào chiếu bạc trong tiếng í ới sát phạt của đám bạn mê đỏ đen.
Ngày hôm sau tỉnh giấc, không thấy gã trong nhà, người ta bảo bắt gặp gã khoác ba lô đi từ lúc tờ mờ sáng. Bất giác đưa tay lên bụng, đôi mắt chị sũng nước.
Một mình bơ vơ nơi xa lạ, không còn một đồng một cắc trong tay, để duy trì sự sống, Lữ Thị S tiếp tục đi làm gái, tiếp tục sống bằng cái nghề nhục nhằn, tủi phận, bị xã hội rẻ rúng này.
Đối với S, những ngày tháng tăm tối đó tưởng như đẩy chị xuống bùn đen vĩnh viễn. Chị nghĩ tới giải pháp của gã tình nhân trước khi ra đi và món tiền “ân huệ” gã ban cho mẹ con chị.
Nhưng đứa trẻ nào có tội tình gì. Tại sao phải tước đoạt quyền sống của nó? Nhưng nếu sinh nó ra, lấy gì để nuôi con? Cuộc sống sau này của hai mẹ con sẽ ra sao? S không thể trở về quê hương, mảnh đất nghèo ngày đêm chị đau đáu.
Dù ước ao được trở về đoàn tụ với gia đình, được sà vào vòng tay mẹ khóc như ngày thơ bé, nhưng với chiếc bụng bầu này, làm sao S có thể kkệ nệ hồi hương?
Những giọt nước mắt tủi phận đua nhau tuôn chảy như cợt nhả số phận bi đát của chị. Những đêm trắng với tay kéo chiếc chăn chiên bé tẹo không đủ ấm, những giọt nước mắt lại rơi, vắt từ ngày này qua ngày khác.
Thai kỳ chuyển sang tháng thứ 4, mấy người bạn làm cùng cấm cản, S mới chịu nghỉ làm, xin rửa bát thuê trong một nhà ăn nhỏ tận bên Gia Lâm. “Dù sao vẫn phải duy trì sự sống, nay đã vậy, còn sau này, khi con ra đời nữa”.
Đứa trẻ chưa chào đời, nhưng sợi dây mẫu tử vô hình thôi thúc chị phải sống, phải đi qua những năm cùng tháng tận ngặt nghèo này. Đứa trẻ chưa chào đời trở thành nguồn động viên thôi thúc chị sống và bước qua những năm tháng khốn khó nhất của cuộc đời.
Đến mẹt tôm riu cũng bị hất đổ
Sinh con trong nghèo khó, chẳng có bất cứ đồ vật nào giá trị. Đến tấm áo của con cũng là do tấm lòng thơm thảo của các chị em khu xóm trọ cắt may từ dăm tấm vải màn cũ dành cho.
Chị đã tính đến nước quay trở lại con đường làm gái. Bởi lẽ, làm ở quán cơm, đồng lương rẻ mạt, cả ngày quần quật làm ở đó, lấy đâu ra thời gian ôm ấp con.
Chị sợ con trai chị lạ hơi mẹ. Nó là núm ruột sinh tồn của chị mà chị không nâng niu, chở che của nó, tội nghiệp đứa nhỏ, không đành, chị xin nghỉ làm ở quán cơm.
Ăn uống thiếu chất, S mất sữa, con trai đói ngày đêm khóc ngằn ngặt. Trước cám cảnh ấy, dòng suy nghĩ vụt qua trong đầu. Hình ảnh của những gốc cây lặng lẽ, những ngọn đèn đường vàng vọt, những tốp thanh niên rú ga ầm ĩ đánh thức phố đêm, những gã đàn ông say rượu buông lời mơn chớn, ngã giá.
Lữ Thị S thoáng rùng mình. Trở lại con đường làm gái, hay về quê sống cuộc đời nghèo khó nhưng có người thân ở bên? S đấu tranh với chính mình và cuối cùng hình ảnh của quê nghèo, của mẹ già bừng sáng trong dòng nghĩ suy mụ mị của chị.
Vẫn bọc quần áo đơn sơ như ngày ra đi, ngày về chị ôm theo đứa con chưa kịp cứng cáp. Đặt chân tới cổng làng, dọc con đường đất đỏ dẫn lối trở về nhà, ai cũng nhìn theo bóng mẹ con chị, đoạn quay sang thì thào bàn tán.
S tự nhủ sẽ bỏ tất cả những lời đàm tiếu ấy sau lưng, sẽ can đảm đi về phía trước. Vậy mà chẳng hiểu sao, sống mũi vẫn cay và mắt vẫn hoe đỏ sậm sùi.
Mẹ chị khóc lặng nhìn đứa con gái út tiều tụy, xác xơ ôm đứa trẻ trong lòng. Không cần nói bất cứ điều gì, bà hiểu tất cả. Bà ngồi xuống bục thềm, kêu gọi vong linh người cha quá cố của S, tự trách mình không biết nuôi dạy con nên người.
Người ta vẫn bảo, đến hổ dữ cũng chẳng bao giờ ăn thịt con. Mắng S là thế, trách S khờ dại là thế, nhưng chính mẹ chị lại là người dang tay đón mẹ con chị vào lòng.
Người ta vẫn bảo “máu chảy ruột mềm”, cùng là máu mủ ruột rà, chị vấp ngã được người trong nhà nâng niu, dỗ dành, nhưng còn những người khác – những người thích mang câu chuyện, số phận của người khác ra để đàm tiếu.
Người ta bảo chị là “đồ mất nết”, “đồ lẳng lơ”, và nặng nề hơn là “đồ gái lăng loàn”, bảo gia đình chị không biết dạy con, để chị có con rơi, con vãi. Mỗi lần như thế, chị chỉ biết cắn răng chịu đựng người đời nhiếc móc.
Ngay cả mẹt tôm riu chị mang ra chợ bán, cũng bị người ta đuổi đi. Người ta không muốn một người đàn bà thiếu phẩm hạnh nhập hội buôn bán với họ. S từng nghĩ tới việc bỏ xứ ra đi, nhưng quê hương, mẹ và những người anh trai thương yêu chị đã níu giữ đôi chân S lại.
Không bán được ở làng, chị lặn lội chạy chợ từ sáng tinh mơ, đạp xe lên chợ huyện, sang làng bên buôn bán. Chị muốn chứng minh cho mọi người thấy, chị không dễ dàng bỏ cuộc, không dễ dàng gục ngã giống như ngày xưa, chị đã kiên quyết giữ lại đứa trẻ bên mình.
Con trai chị giờ đã học lớp 4, năm nào con cũng được danh hiệu học sinh tiên tiến, biết thương mẹ và làm các việc vặt trong nhà đỡ đần bà và mẹ. Nhìn con lớn khôn từng ngày, ngoan ngoãn, biết vâng lời, S bảo đó có thể gọi là niềm hạnh phúc của người làm mẹ.
Để có một hạnh phúc cho ngày hôm nay, ít ai biết được mẹ con chị đã phải trải qua những năm tháng đau khổ, tuyệt vọng, bị kì thị, ghẻ lạnh đến chừng nào.
Và người đem lại bến đỗ, bình yên, sức mạnh cho Lữ Thị S không ai khác, chính là đứa con của chị. Đứa con ấy mang họ mẹ và nó mang cái tên với ý nghĩa là Ánh sáng mặt trời - thứ ánh sáng soi rọi và truyền hơi ấm cho số phận nhiều nức nở của chị.
(Ghi theo lời kể nhân vật)